TRANG CHỦ
CƠ CẤU TỔ CHỨC
ĐƠN VỊ CƠ SỞ
TÀI LIỆU
DU LỊCH LẤP VÒ
TRANG CHỦ > TIN TỨC
Tân Mỹ. Hành trình đến địa chỉ đỏ - Khu di tích chiến sỹ trận vong và Đình Cai Châu
 

1. Đình Cai Châu (hay còn gọi là đình Tân Mỹ)

Vào khoảng cuối thế kỷ XVI – XVII, những lưu dân người Việt đầu tiên đã thực hiện cuộc hành trình Nam tiến đầy gian lao vất vả để chinh phục vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Ban đầu, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: rừng thiêng nước độc, đất đai hoang vu…Nhưng với ý chí không lui bước nên dần dần những lưu dân này đã biến vùng đất khắc nghiệt nơi đây thành những mảnh ruộng, mảnh vườn trù phú, những thôn xóm cũng từng bước hình thành. Đến lúc này, việc khai khẩn đất đai đã đi vào ổn định thì những ký ức về tín ngưỡng, về phong tục tập quán cổ truyền nơi quê cha đất tổ lại hiện về trong họ. Chính vì điều này đã phần nào thôi thúc những cư dân người Việt tiến hành dựng đình lập miếu nhằm để nhớ về nguồn cội.

Theo quan niệm người xưa, đình làng chính là trung tâm văn hóa chính trị của địa phương, cho nên thường được xây dựng ở những vị trí thuận lợi nhất để dân làng tới lui một cách thuận tiện – có nơi chọn gò đất cao, có nơi chọn phong thủy tốt, đặc biệt là ở những ngã ba, ngã tư sông. Và đình Cai Châu cũng thế! 

Theo các bậc cao niên kể lại. Xưa kia, tại thôn Tân Mỹ có hai ngôi đình: đình Tân Mỹ Đông và đình Tân Mỹ Tây. Hai ngôi đình này không biết thành lập vào năm nào chỉ biết vào thời vua Gia Long thì đã có. Chất liệu xây cất đình lúc đó rất đơn sơ, chủ yếu bằng cột gỗ, tre lá tạm bợ để nhân dân cúng viếng. Sau nhiều năm trôi qua, hai ngôi đình này xuống cấp trầm trọng. Thấy vậy, dân làng mới họp bàn và tiến hành hợp nhất hai ngôi đình lại thành một với tên gọi đình Tân Mỹ đồng thời di dời về vị trí ngã ba con rạch Cai Châu ngày nay. Hàng năm, đình có hai lễ hội lớn: lễ Hạ điện tổ chức vào ngày 15-16/03 Âl và ngày 24-25/10 Âl tổ chức lễ Thượng điền.  Đến năm 1852 vua Tự Đức ban sắc phong Thành hoàng Bổn Cảnh cho đình Tân Mỹ. 

Năm 1885, sau khi đã ổn định vị trí, các ông trong hội tề vận động nhân dân góp công góp của để xây cất ngôi đình khang trang hơn nhưng chất liệu vẫn là gỗ.

Đến khoảng năm 1930, ngôi đình xuống cấp. Thấy vậy, ông huyện Sum – Huỳnh Tiến Sum cùng với ông Bảy Bỗng xây cất lại ngôi đình. 

Sau nhiều năm tích góp của cải, đến năm 1938 đình Tân Mỹ được xây dựng lại hoàn toàn, chất liệu xây cất chủ yếu bằng gạch đá. Công việc xây dựng kéo dài đến năm 1941 mới hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng đến năm 1945.

Niềm vui của ngày giành được độc lập không lâu, tiếng súng của thực dân Pháp lại một lần nữa rền vang khắp các tỉnh Nam kỳ với ý đồ xâm chiếm nước ta lần hai. Ngày 29/10/1945, chúng chiếm được Vĩnh Long và đe dọa trực tiếp đến Sa Đéc, Tân Mỹ. Thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, chính quyền cách mạng xã Tân Mỹ đã phá hủy tuyến đường giao thông 23, tháo dỡ những ngôi nhà lớn, những đình chùa mà chúng có thể sử dụng làm đồn trú,  Đình Tân Mỹ lúc này gần như bị đốt toàn bộ. Trong suốt từ năm 1947 – 1972, đình không có Ban tế tự, mọi công việc tế lễ gần như lồng ghép vào những hoạt động của Đài chiến sĩ trận vong; hay vào các lệ cúng hàng năm, dân làng tập trung một ít người lại đến nhà vị hương chức thờ sắc Thần để tế lễ. Dù là đơn sơ, giản dị bởi trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng vẫn thể hiện tấm lòng tin tưởng với làng với nước…của những người dân nơi đây. 

Đầu năm 1955, xã Tân Mỹ đã cùng với địa phương khác đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống cướp bóc, đàn áp nhân dân và yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp đình Giơ ne vơ. Đã nhiều lần nhân dân xã Tân Mỹ gửi đơn đến Ủy hội Quốc tế ở Tân Châu, Cần Thơ, Sài Gòn để tố cáo tội ác của ngụy quân, ngụy quyền. Cuối cùng, Ủy hội Quốc tế đành chấp nhận sự thật. Đây là  thắng lợi quan trọng trên mặt trận chính trị của ta diễn ra tại ngã ba đình Tân Mỹ.

Đến năm 1973, ông xã trưởng Châu Văn Chứ vận động nhân dân xây dựng được phần chính điện với diện tích 323 m2. Đồng thời, Ban tế tự đình Cai Châu được thành lập. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đình Tân Mỹ được Ban Quân quản chọn làm điểm để số tàn quân của chính quyền Sài Gòn ra trình diện. Lúc này, nhân dân quanh vùng quen gọi là đình Cai Châu cho đến ngày nay. 

Năm 1975 – 1992, đình Cai Châu được trưng dụng để chứa kho phân, xăng dầu của Ban nông nghiệp xã, khu vực vỏ ca làm sân phơi lúa.

Vào năm 1993, ông Châu Ngọc Thanh (Sáu Me) làm đơn xin lại ngôi đình để chăm lo tế lễ hàng năm và được chính quyền chấp nhận. Ban tế tự đình được củng cố gồm: Châu Ngọc Thanh làm trưởng ban, ông Nguyễn Văn Giỏi, ông Nguyễn Thanh Hoằng và ông Nguyễn Văn Dưa (Tư Dưa). Từ Năm 1994 cho đến nay, ông Nguyễn Thanh Hoằng được bầu làm trưởng ban thay thế ông Châu Ngọc Thanh chuyển sang làm cố vấn trong Ban tế tự. Một năm sau, Ban tế tự dựng lại vỏ ca bằng tre-vì không đủ kinh phí.

Đến năm 2001, Ban tế tự vận động nhân dân cất lại vỏ ca kiên cố như ngày nay. Hàng năm, đình được xây dựng từng hạng mục, kinh phí trích từ quỹ đóng góp của nhân dân thông qua hoạt động cúng lễ. Mỗi năm đình cũng tổ chức hai lễ hội lớn: lễ Hạ điền tổ chức vào ngày 15-16/03 Âl và lễ Thượng điền tổ chức ngày 24-25/10 Âl. Nhưng đến năm 2016, được sự thống nhất của các thành viên trong Ban tế tự cũng như sự chấp thuận của chính quyền địa phương và bà con nhân dân, lễ cúng Hạ điền ấn định lại ngày 16-17/3 Âl. 

2. Đài Chiến sĩ trận vong

Xã Tân Mỹ là một trong những địa phương có vị trí hết sức quan trọng cả đường bộ lẫn đường thủy. Cho nên, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tân Mỹ luôn là mục tiêu bình định của địch; các lực lượng cách mạng của ta cũng chọn xã này làm địa bàn bám trụ đánh giặc. Chính vì thế mà nơi đây luôn là vùng tranh chấp rất quyết liệt giữa ta và địch: ta đấu tranh để bảo vệ căn cứ, Pháp tiến hành càn quét để chiếm cho kỳ được tuyến giao thông lộ 23 – nay là đường ĐT 848 nối dài từ Sa Đéc lên An Giang.

Nhiều cuộc hành quân càn quét giết hại hàng chục đồng bào, đồng chí ta. Tiêu biểu như ngày 14/02/1946, chúng thảm sát 12 người ở đây và quăng 1 em bé – con chị Điệp xuống sông; ngày 26/01/1948, chúng cho máy bay ném bom, cho tàu chiến bắn phá và đổ quân càng quét vào xã Tân Mỹ; ngày 23/02/1948, Pháp dùng cả bom napan để đốt phá chợ Cai Châu và đóng đồn ở tại chợ đồng thời bắt nhân dân tu sửa đường lộ 23 cho chúng tiện đi lại, bình định. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cụ thể là Chi bộ xã Tân Mỹ, quân và dân đã thể hiện quyết tâm bám chắc địa bàn, giặc đốt phá rồi ta cho làm lại, chúng chiếm cứ ngoại lộ, ta rút vào đồng sâu để tiến hành chiến tranh du kích. Đối với đồng bào, chiến sĩ ta hy sinh, cấp trên chủ trương cho xây dựng “Đài chiến sĩ trận vong” ở các địa phương nhằm để có chỗ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn.

Tại sân đình Cai Châu (Tân Mỹ) – nơi thường diễn ra hội họp của xã và cấp trên. Do chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” đình Tân Mỹ chỉ còn lại một điện thờ nhỏ. Tuy nhiên, vào những ngày cúng đình, hay các ngày lễ lớn như: 19/5, 2/9 bà con vẫn thường đến đây rất đông. Trong phần nghi lễ, có phút mạc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và đồng bào hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, nơi đây lại không có chỗ để tưởng niệm cũng như chỗ thắp hương. Nguyện vọng của nhân dân là phải có nơi tưởng niệm đường hoàn. Đáp lại nguyện vọng đó, huyện ủy Lai Vung đã giao cho Đảng bộ xã chọn sân đình Tân Mỹ để xây dựng đài chiến sĩ trận vong. Công tác chuẩn bị được gấp rút thực hiện, cấp trên phân công đồng chí Nguyễn Văn Kình – Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Về thiết kế thi công, bảng vẽ, xã mời những người có am hiểu trong lĩnh vực này để vẽ, sau đó trình lên lãnh đạo xem xét chỉnh sửa. Sau khi được cấp trên thống nhất, công việc xây dựng được tiến hành ngay vào mùa khô năm 1949. Thợ và nhân công đều là những người tự nguyện đóng góp xây dựng mà không cần hưởng tiền dưới sự chỉ huy xây dựng bởi ông thợ Đảnh ở ấp Tân Hòa Đông, xã Tân Mỹ. Cơm nước hậu cần được các chị, các mẹ trong hội Phụ nữ cứu quốc đảm nhiệm còn gạo và thức ăn thì vận động nhân dân đóng góp. Gạch đá thì sử dụng một phần của đình tháo ra phần còn lại chở từ nhà ông huyện Sum – Huỳnh Tấn Sum về, chỉ có xi -măng, cát là xuất tiền quỹ của xã ra mua. Khi đã xây xong phần thân đài, đồng chí Nguyễn Văn Kình vẽ ngôi sao năm cánh và hàng chữ “Đài chiến sĩ trận vong” được đắp nổi ở bốn mặt.

Chỉ trong hai tuần lễ, đài chiến sĩ trận vong đã xây xong vào mùa khô năm 1949. Ngày 02/09/1949, lần đầu tiên toàn thể Đảng – Quân – Dân – Chính đã tổ chức ngày Quốc khánh tại sân đình. Cả ngàn người đến dự bất chấp sự kiềm kẹp của địch trong đó có Huyện ủy Lai Vung về dự. Trong phút mặc niệm, đoàn người im phăng phắc cuối đầu tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Sau phút mặc niệm, đoàn thiếu nhi của xã hát nhạc có hòa tấu bài “Chiêu hồn tử sĩ” nhạc và lời của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Từ đó về sau, vào các dịp lễ, tết, Mặt trận Tổ quốc cùng với nhân dân đều tổ chức thăm viếng, thắp hương tại đài chiến sĩ trận vong. Đây còn là nơi tổ chức lễ truy điệu các anh hùng liệt sĩ hy sinh trước khi đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã. Ngoài ra, nhiều cuộc họp quan trọng cũng diễn ra tại đây. 

Sau khi ký Hiệp định Giơ ne vơ, Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm tiến hành đàn áp những người theo cách mạng ở khắp miền Nam Việt Nam. Xã Tân Mỹ là một trong những địa phương mà chúng hướng tới để tiến hành đàn áp, đập phá những cơ sở cách mạng của ta để lại. Chúng mở rộng vùng chiếm đóng đồng thời đưa lực lượng bảo an đến đóng quân gần Đài với mục đích khống chế nhân dân lui tới thăm viếng. Chính vì thế mà trong suốt thời gian dài, hoạt động tại Đài chiến sĩ trận vong bị gián đoạn. Nhiều Đài chiến sĩ trận vong ở các xã lân cận được xây dựng cùng thời điểm trên đều bị chúng phá hủy hoàn toàn. Tiêu biểu vào năm 1955, tên tỉnh trưởng ra lệnh cho quân lính phá cho bằng được Đài chiến sĩ trận vong này. Đảng đã kịp thời vận động nhân dân tiến hành đấu tranh chính trị với chúng. Dân hỏi: “Tại sao các ông cho phá?”. Chúng biện minh rằng Đài này của Việt Minh không phải của Quốc gia. Nhân dân liền đấu lý: “Quý ông tự xưng là Chính nghĩa Quốc gia, đã có công giải phóng dân tộc, Đài chiến sĩ trận vong này do nhân dân dựng lên là để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Chúng ta là những người thừa hưởng độc lập như hôm nay, nếu đem phá nó đi thì có sai đạo lý không?”. Bằng chính sách khôn khéo, mềm dẻo, kết hợp với thuyết phục anh em binh lính, quần chúng nhân dân đã ngăn cản bọn địch phá hoại và bảo vệ Đài Chiến sĩ Trận vong cho đến ngày giải phóng 30/04/1975.

Đến năm 1972, nền móng đài không đảm bảo cho nên đài chiến sĩ trận vong bị nghiêng so với ban đầu. Thấy vậy, ông Châu Văn Chứ - xã trưởng xã Tân Mỹ không biết vì lý do gì, có thể là do tin dị đoan nên đã cho lính đến kéo đứng Đài chiến sĩ trận vong lại như ban đầu. Nhưng sau đó, Đài chiến sĩ trận vong vẫn bị nghiêng cho đến hiện trạng bây giờ. Hàng năm, vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/07 chính quyền địa phương cùng với người dân đến đây làm lễ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước.

HĐ - Lấp Vò
Từ khoá: Dia chi do
 
TIN LIÊN QUAN
Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)
Huyện Lấp Vò. Tổ chức Lễ Thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ nhân dịp Tết nguyên đán – Hưởng ướng ngày tình nguyện Tuổi trẻ Đất sen hồng tháng 02 năm 2024.
Huyện Lấp Vò. Thành lập Chi đoàn Hợp tác xã Hội An Đông – Chi đoàn doanh nghiệp trong năm 2024.
Lấp Vò. Tổ chức hoạt động giám sát đối với Ủy ban nhân dân xã Bình Thành về công tác quản lý Nhà nước về thanh niên theo Luật Thanh niên năm 2020
HUYỆN LẤP VÒ. TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH XUÂN TÌNH NGUYỆN NĂM 2024 - HƯỞNG ỨNG NGÀY TÌNH NGUYỆN TUỔI TRẺ ĐẤT SEN HỒNG KỲ THÁNG 1
Huyện Lấp Vò. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề trên địa bàn huyện Lấp Vò.
Prev
[1]
2
3
4
7
Next
 
 
 
 
TIN MỚI
  Lấp Vò. “Thắp nến tri ân” các Anh hùng, Liệt sĩ nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)
   
  Huyện Lấp Vò. Tổ chức Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn năm 2024
   
  Huyện Lấp Vò: Tổ chức hoạt động tư vấn, cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến trên địa bàn huyện Lấp Vò năm 2024
   
  Lấp Vò. Tổ chức thăm hỏi, động viên tặng quà gia đình cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện công tác ở vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp
   
VIDEO HOẠT ĐỘNG
 Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Lấp Vò lần XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027  
  20 NĂM CHIẾN DỊCH TNTN HÈ VÀ 50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC BÁC HỒ  
 TUỔI TRẺ LẤP VÒ KHÁT KHAO CỐNG HIẾN CỦA NHỮNG MÀU ÁO XANH  
 Tháng Thanh niên huyện Lấp Vò năm 2019  
 
 
 
 
 
 
 
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐOÀN LẤP VÒ
Cơ quan chủ quản: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Huyện Lấp Vò
Địa chỉ: QL 80, Khóm Bình Thạnh 2, Thị trấn Lấp Vò, Lấp Vò, Đồng Tháp
Điện thoại: 02773.845.133
Email: huyendoanlapvo@yahoo.com.vn
Đăng nhập  © Ghi rõ nguồn Huyện Đoàn Lấp Vò khi phát hành lại thông tin từ Websites này