1. Đặc sắc làng thớt Định An
Làng thớt Định An thuộc ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò hoạt động quanh năm đến nay đã hơn 70 năm. Làng nghề phục vụ những miếng thớt, vật dụng hàng ngày không thể thiếu trong mỗi nhà bếp của người dân Việt Nam.
Nghề làm thớt ở Định An là một nghề cha truyền con nối, người dân hiện đang làm nghề cũng không biết chính xác thời gian xuất hiện của nghề. Người cao tuổi nhất cũng nói, họ sinh ra thì đã thấy người trong làng làm nghề này rồi.
Khi đến đây tham quan, du khách lúc nào cũng sẽ nghe những âm thanh sôi nổi, hòa mình vào cảnh nhộn nhịp của những tiếng cưa, tiếng đục, tiếng vận hành máy, người thì kéo xe, người thì đang phơi thớt. Hiện tại, có 10 hộ đang duy trì theo nghề để cung cấp thớt đi khắp vùng.
Dù công việc khá vất vả nhưng người dân Định An vẫn gắn bó với nghề làm thớt bởi đây là nghề vừa tạo ra thu nhập vừa là nghề truyền thống cần được gìn giữ của cha ông để lại.
2. Lịch sử hình thành làng nghề thớt Định An
Theo những người dân trong làng kể lại thì, từ xa xưa, người dân ở đây thường chuyên chở, mua bán hàng hóa, nông sản bằng ghe, xuồng đến các tỉnh ở xa. Khi trở về, họ thường mua lá lợp nhà, mua cây mù u - một loại gỗ rất chắc chắn thường mọc hoang ven sông để làm cột nhà, làm rui, làm mè…
Phần thừa gỗ mù u còn lại sau khi làm nhà, người dân ở đây cưa ra làm thớt để dùng. Dần dần, sản phẩm thớt nhiều hơn, người dân lại mang đi bán, đổi lấy gỗ, đồ dùng. Gỗ mù u là loại gỗ khá rẻ nhưng lại chắc chắn, khi dùng làm thớt băm chặt không lưu lại vết đen như các loại thớt khác. Lâu dần tiếng đồn vang xa, ai ai cũng đều biết nơi sản xuất thớt tại vùng Định An. Từ đó hình thành nên làng nghề truyền thống này.
Ban đầu, làng thớt Định An có đặc sản là thớt mù u. Nhưng, ngày nay do gỗ mù u ngày càng ít đi, người dân làm thêm các loại gỗ khác như xà cừ, xoài, mít, gừa, còng, me… cũng có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng. Thớt Định An vẫn duy trì sự nổi tiếng từ xa xưa.
Hằng năm, cứ vào mùa con nước ròng hay còn gọi mùa nước nổi khoảng tháng 9 âm lịch, xã Định An lại bắt đầu nhộn nhịp hơn những ngày thường. Những tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy, tiếng nói cười của người dân làm nghề thớt làm cho vùng quê này như có thêm một nhịp sống mới. Đây là thời điểm tất bật nhất trong năm để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên Đán.
Trung bình một ngày một gia đình ở Định An sản xuất được 200 cái thớt. Nhưng vào đợt cao điểm như giáp Tết, nhu cầu của người dân sử dụng thớt tăng cao thì năng suất được đẩy mạnh có thể lên đến 1.000 chiếc. Nếu quý khách đến thăm làng nghề vào đúng dịp này thì sẽ cảm nhận được không khí hối hả hơn ở một khung cảnh làng nghề thủ công truyền thống.
3. Đặc sản thớt mù u
Kể về nghề làm thớt gỗ, các chủ xưởng chia sẻ ở đây có đặc sản thớt bằng gỗ mù u danh tiếng, làm nên tên tuổi của làng nghề. Ngày xưa, cả làng có hơn chục hộ làm thớt thì hầu hết sản phẩm là thớt mù u. Vì cây mù u mọc nhiều ở miền Tây, chủ yếu là mọc hoang ven sông, ven kênh nhưng khu vực giáp mặt nước. Vì thế gỗ mù u rất rẻ nhưng do cây sinh trưởng chậm, gỗ rất cứng và bền phù hợp với việc làm thớt.
Những chiếc thớt bằng gỗ mù u có độ bền cực cao, tương đương với gỗ nghiến. Tuy nhiên, vì gỗ cứng, chắc chắn nên việc sản xuất khó khăn hơn. Một xưởng thớt có bốn năm người, một ngày chỉ làm được hơn chục chiếc thớt mù u mà thôi. Bây giờ, phần vì nhu cầu thị trường, phần vì cây mù u to không còn nhiều nên thớt chủ yếu làm bằng gỗ mít, xà cừ, tràm hay gỗ xoài. Những ai đặt trước thì các trại thớt mới làm bằng gỗ mù u.
4. Công phu làm thớt ở Định An
Theo những người có kinh nghiệm trong làng nghề thớt, để có một chiếc thớt bền đẹp người thợ phải phải thực hiện nhiều công đoạn. Đầu tiên là phải chọn được loại cây gỗ già, đem sấy hết nhựa mang ra cắt thành từng miếng rồi tiếp tục phơi nắng để không bị mốc.
Muốn có một cái thớt có độ bền cao, không bị vỡ, bục khi sử dụng thì người thợ phải cắt gọt sao cho độ dày, độ tròn độ rộng của thớt phải cân đối. Kỹ thuật này yêu cầu người phải có kinh nghiệm làm nghề lâu năm mới có được.
Trước đây, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, dùng sức người, sau này nhờ có máy móc nên công việc thực hiện nhanh hơn như cắt khúc bằng máy cưa, lộng tròn bằng cưa lộng. Và từ đó, sản lượng cũng tăng gấp nhiều lần.
Ở đây đàn ông thì cưa, đục, cắt còn phụ nữ thì chà nhám, phơi phiến. Có một công đoạn nhất định phải làm thủ công là gọt láng. Gọt láng là công đoạn quyết định cái thớt có độ đẹp trơn láng hay không và không thể dùng máy móc để thay thế.
Theo người dân thì nghề làm thớt cực nhất là lúc phơi nắng, nhất là vào mùa mưa. Thời tiết nắng mưa thất thường nên việc phơi nắng luôn phải trông chừng. Nếu mùa mưa như bây giờ, có khi cả tuần mới đủ nắng để chuyển sang công đoạn bào láng thớt. Thế nhưng không phơi, sản phẩm sẽ không chất lượng vì gỗ tươi rất dễ bị bục, mẻ khi sử dụng. Hơn mấy chục năm qua, người dân xã Định An vẫn miệt mài cùng với nghề bởi đây vừa là nghề tạo thu nhập vừa là nghề truyền thống.
Chiếc thớt gỗ là một vật dụng rất quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và thật thú vị rằng, đằng sau một vật dụng đơn giản đó lại có cả một làng nghề truyền thống lâu đời với những nét đẹp văn hóa. Rồi từ đây, khi nhắc đến thớt chúng ta lại nhắc đến làng nghề thớt Định An của tỉnh Đồng Tháp. Nếu có dịp về Đồng Tháp, về với các tour du lịch xanh, thả hồn vào thiên nhiên tươi đẹp thì quý khách cũng đừng quên đến thăm làng nghề thớt đặc biệt này nhé.
|