Làng nghề làm chổi lông gà ở ấp Bình An, xã Bình Thành (Lấp Vò) có từ lâu đời. Các mặt hàng của làng nghề cung cấp cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và cả nước bạn Campuchia. Để có thể cung ứng đủ số lượng, làng nghề đòi hỏi lượng lớn nhân công.
Từ khi được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống (năm 2006), làng nghề làm chổi lông gà không ngừng phát triển về quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động ở địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Đông - Tổ Trưởng làng nghề làm chổi lông gà xã Bình Thành, làng nghề có 252 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương. Để có một cây chổi lông gà thành phẩm, người làm phải thực hiện các công đoạn như: giặt lông, xỏ dây, nhuộm, phơi, uốn trúc và quấn chổi. Đa số các hộ gia đình của làng nghề đều thành thạo và thực hiện hoàn tất các công đoạn để tự sản xuất ra chổi lông gà.
Nhiều lao động của địa phương cho biết, so với làm ruộng, làm rẫy, nghề làm chổi cho thu nhập không cao nhưng ổn định, công việc nhẹ nhàng và làm quanh năm, có thể trang trải được cuộc sống. Có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm chổi lông gà, chú Huỳnh Văn Hùng cho biết: “Từ đời cha tôi, gia đình đã gắn bó với nghề làm chổi lông gà, nay tôi cũng nối nghiệp. Với công lao động của 2 vợ chồng và đứa con trai, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 40 - 50 cây chổi. Tuy thu nhập không cao, nhưng ổn định, giải quyết được công ăn chuyện làm của các thành viên trong nhà”. Các hộ thiếu vốn vẫn có thể “sống khỏe” với việc làm theo công đoạn hoặc đi làm thuê tại các cơ sở sản xuất quy mô lớn. Chị Nguyễn Thị Nhạn cho biết: “Do nhà không có vốn đầu tư nên tôi nhận xỏ lông gà cho các cơ sở sản xuất. Xỏ gia công một dây lông gà 5 tấc được 500 đồng, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 50 - 60 ngàn đồng”. Theo chú Nguyễn Văn Lời - chủ cơ sở làm chổi lông gà Sáu Lời: “Mỗi ngày cơ sở sản xuất trên dưới 1.000 cây chổi các loại. Để đáp ứng số lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường, mỗi ngày tôi phải thuê hơn 10 lao động”.
Nếu lao động nữ dễ dàng kiếm thu nhập bằng việc xỏ dây, quấn chổi, thì đa số lao động nam nơi đây chọn việc uốn trúc. Uốn trúc là một công đoạn trong nghề làm chổi và từ lâu công việc này trở thành “nghề” mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều lao động nam ở nông thôn. Chỉ cần một bếp than được xây cố định, chắc chắn kèm hai thanh sắt để kiềm trúc, một lao động nhanh tay có thể uốn được 200 - 400 cây trúc mỗi ngày, thu nhập khoảng 150 ngàn đồng. Nhiều năm qua, bên cạnh việc tự làm chổi lông gà tại gia đình, chú Nguyễn Thanh Hải còn tranh thủ đi uốn trúc tại các cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề. Chú Hải chia sẻ: “Nghề uốn trúc cũng dễ làm. Nếu chịu khó để ý, tỉ mỉ khi thực hiện sẽ cho ra những cán chổi đẹp. Tùy vào những loại trúc khó hay dễ mà mỗi ngày tôi có thể uốn được khoảng 200 - 300 cây, thu nhập trên 100 ngàn đồng”.
Với tính thiết yếu của sản phẩm, có nhiều thị trường tiêu thụ, nghề làm chổi lông gà ấp Bình An, xã Bình Thành có đủ điều kiện để tồn tại.
|